Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Hà Nội, Tháng Bảy 1954

Hà Nội, Tháng Bảy 1954

Gửi bàigửi bởi Admin » Tháng bảy 07, 2014, 11:36 pm

Vào giữa năm 1953, là thời điểm cao nhất Hà Nội Hải Phòng nổi bật một số ít các nhà văn trẻ, có lối viết khác Tự Lực Văn Ðoàn, Lê Văn Trương hay Nguyễn Tuân, như Hoàng Công Khanh với vở kịch thơ Bến Nước Ngũ Bồ, Sao Mai với truyện Nhìn Xuống, Trúc Sĩ với Kẽm Trống, viết với vẻ trẻ trung gần gũi với thế hệ đang thao thức trưởng thành trong một đất nước biến chuyển, có rung động hòa nhịp với dân tộc, hơn là những nhân vật bị dày vò trong các vấn nạn hoàn cảnh riêng tư giữa cá nhân và xã hội - một xã hội thanh bình sa lầy với các ông thông ông phán thành phố.

191019-vienLinh 01-1-4.jpg

Chợ trời Hà Nội vào Tháng Bảy, 1954, những gia đình dự định di cư vào Nam đem bày bán
đủ thứ trên vỉa hè, lề phố. (Ảnh trích lại từ Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy)


Hay một tâm tư rất óng chuốt cổ ngoạn với chữ nghĩa của một thời vang bóng. Hay những tiểu thuyết mà nhân vật chính hầu như là tác giả với các cuộc phiêu lưu tìm vàng hay với các kinh nghiệm trường đời: những “Ðồng Tiền Xiết Máu” hay “Trường Ðời.” Nhưng số phận đời văn của lớp các nhà văn trẻ này thật nghiệt ngã: họ nổi tiếng nhanh, nhưng tắt lịm rất sớm, chỉ trong vòng một năm hoặc hơn một năm mà thôi. Sự tắt lịm ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: nghĩa bóng là sự im lặng lẩn vào bóng tối - còn sống, song phải ẩn mình như một con cú, sống vào ban đêm, tránh ánh sáng mặt trời - nghĩa đen là tắt lịm vì sau Tháng Bảy, 1954, phải ép mình vào một tổ chức cầm quyền họ không chọn lựa, quên mình đi để trở thành “người cầm bút trong hệ thống chế độ,” cầm bút mà không phải nhà văn, hình thể như một con dơi - khi bay thì nghĩ mình, và khiến thiên hạ tưởng rằng mình là một cánh chim - khi chui vào dưới một mái nhà, mặt mũi đúng là con chuột.

Giữa 1954, cả miền Bắc xôn xao rúng động với chuyện đi hay ở, “vô” Nam hay không vô Nam. Bến Nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh mặc dù lấy bối cảnh thời Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, song con sông Bồ, ranh giới của hai nước Chiêm Việt, là biên cương của các tráng sĩ, khung cảnh tranh tối tranh sáng của mật thám theo giặc và các chiến sĩ mưu chuyện phục quốc. Ðoạn thơ sau đây làm rung động độc giả, nhất là các độc giả trẻ: tâm sự của người trong kịch cũng là tâm sự của kẻ ngoài đời:

Ai về Lạc Thủy?
Ai lại Tây Ðô?
Ai qua Hàm Tử?
Ai đáp Bô-Cô?
Ai ghé bến Ngũ Bồ?
Ai ra nhắn với ai vô:
Nơi đây gió Bắc, mưa Hồ mấy tao.
Nơi đây tay gối làm dao
Ngủ trong tủi nhục, thức vào hờn căm
Hát ngao mà hết tháng năm
Chiêm bao lót nửa chiếu nằm mà say...
(Bến Nước Ngũ Bồ, Hà Nội 1953)


Chữ “mưa Hồ” trong vở kịch là nói đến họ Hồ của cha con Hồ Quí Ly làm giặc phá nhà Trần trong mấy năm trước đó, nhưng lời thơ của Hoàng Công Khanh thật là gợi cảm với một Hà Nội đang rúng động bởi thời thế nhiễu nhương, “ngủ trong tủi nhục, thức vào hờn căm,” kẻ còn ngoài vùng kháng chiến, lưu lạc bất định, kẻ đã “về Tề” mang tiếng theo Pháp, làm Việt gian, như nhân vật Ðặng Ích thời Lê Lợi Nguyễn Trãi làm mật thám cho quân Tầu đang theo dõi tìm bắt những người yêu nước. Hoàng Công Khanh ý thức rất rõ về độc giả, khán giả của mình, lôi kéo được họ bởi lời thơ đẹp và nhất là tươi, chất tươi đến từ sinh hoạt của cuộc đời. Mới 30 tuổi ông đã chinh phục được giới hào hoa thanh lịch của thủ đô qua buổi trình diễn giữa năm 1953 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Nhận định về lớp nhà văn trẻ của thời 1953-1954 trong có Hà Nội, Vũ Bằng viết: “Có người vượt cả gian lao lặn lội về những vùng tề [là các thành phố do chính quyền Pháp-Việt quốc gia kiểm soát như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh]... Ai cũng tiên đoán thấy một cái gì tốt đẹp sắp thành hình. Và người ta chờ đợi. Người ta chờ đợi những cuốn sách có tính cách xây dựng, những cuốn truyện biểu dương được dân tộc tính...” (Người văn nghệ, anh đi về đâu? Tuần báo Mới, Sài Gòn, tháng 1.1954). Kỳ vọng chung là như thế, nhưng đó chỉ là kỳ vọng của những người cầm bút. Nhưng tình hình Việt Nam của những kẻ muốn nắm quyền hành xoáy tròn trên một miệng vực, như miệng vực của thung lũng Ðiện Biên Phủ, biến thành miệng vực của tất cả nhân quần liên hệ.

191019-vienLinh 02-4.jpg

Cầu Hiền Lương. Ðầu cầu phía Nam và đầu cầu phía Bắc.
(Ảnh trích lại từ Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy)


  • 2 Tháng Bảy, 1954: Pháp rút quân tại miền duyên hải Bắc Việt, bỏ rơi dân chúng theo phe quốc gia tại các tỉnh Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Nam Ðịnh, Phủ Lý, Ðồng Văn.
  • 3 Tháng Bảy, 1954: Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố không được Pháp thông báo gì về cuộc rút lui này. Pháp và Việt Minh họp riêng với nhau tại một địa điểm tên là Trung Giá.
  • 6 Tháng Bảy, 1954: Chính phủ Ngô Ðình Diệm được thành lập.
  • 15 Tháng Bảy, 1954: Phía chính quyền quốc gia rút khỏi tỉnh Hưng Yên.
  • 20 Tháng Bảy, 1954: Pháp và Việt Minh thỏa thuận mọi điểm tại Hội nghị Genève ở Thụy Sĩ, nhưng chưa ký.
  • 21 Tháng Bảy, 1954: Hội nghị Genève họp phiên cuối cùng dưới sự chủ tọa của Ngoại Trưởng Anh Anthony Eden, công bố một hiệp định gọi là “Hiệp định đình chiến [hay ngưng bắn] tại Việt Nam,” giới tuyến quân sự cho hai phe là sông Bến Hải, từ cửa sông ở Việt Nam tới làng Bồ Hô Su ở biên giới Lào. Trong bản hiệp định có 47 khoản và một phụ lục, qui định hai bên phải rút quân trong vòng 300 ngày, hai năm sau đúng ngày 20 Tháng Bảy, 1956, sẽ tổng tuyển cử để tái thống nhất. Hiệp định chính trị cuối cùng này, theo ghi nhận của Luật Sư Hoàng Cơ Thụy, tác giả bộ sách hơn 10,000 trang Việt Sử Khảo Luận, thì không một ai đặt bút ký tên vào đó cả. Ðại diện cho Pháp, Tướng Delteil thay mặt Thống Tướng Ely và Giáo Sư Tạ Quang Bửu thay mặt cho Võ Nguyên Giáp, chỉ ký vào ba hiệp định quân sự mà thôi.
  • 27 Tháng Bảy, 1954: Pháp rút hết 120,000 binh lính khỏi miền Bắc Việt nam.

Vũ Hoàng Chương:

Bến xưa vừa trở bước
Sông núi đã chia rồi.
Em ở lại sầu gương tủi lược
Bồ hòn kết đắng hoa môi.
Anh ra đi, cánh phiêu bồng trốn tuyết
Hay cánh thiên nga trốn vạc dầu sôi?

Cũng có khác gì đâu
Trăng vẫn khuyết
Ðời vẫn gần hơn cửa huyệt
Men chiều khói sớm đơn côi
Nắng nào không xao xuyến
Mưa nào không bồi hồi?
Tiếng kêu ném ngược đường kinh tuyến
Chỉ thấy vòng quanh trở lại thôi...

(trích đoạn, VL sưu tầm)



Ðinh Hùng:

Trận cười tan hợp núi sông
Cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa
Hý trường đổi lớp phong ba
Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu
Hưng vong vạn lý thành sầu
Trăng ơi! Ðừng bỏ mái lầu nhân gian
Ta chờ thiên địa giao hoan
Nhập thần cây cỏ muôn vàn kiếp sau.

(Sông Núi Giao Thần)


Nguyễn Tuân:

Thường mỗi khi gặp sông mà sông lại có luôn cả cầu, ta yên chí như là đã chực sẵn tại đó một ông đò quen thuộc, chắc tay và đúng hẹn. Nhưng tới bờ sông đệm mà nhìn cầu tuyến, chưa khi nào và chưa có người bộ hành yêu nước nào ở Việt Nam lại thấy được mảy may yên lòng. ...hôm nay đây tôi cũng muốn nói rằng nhân loại trên thế giới ở Á, ở Phi, ở Mỹ Latinh, ở Âu, đừng ở đâu, đừng nước anh em nào phải bất hạnh có một cây cầu như cầu Hiền Lương hai mầu ở nước tôi.”
(Cầu Ma)


Xuân Diệu

Người xinh cái nón cũng xinh
Sông lành sông đẹp cái tên cùng lành
Hiền Lương nước biếc mây xanh
Lòng ta đến đó sao mà quặn thắt?
(...)
“Xa chi xa oan xa ức, xa tức xa tối
Xa không sợ tội với ông trời.”

(Gửi Sông Hiền Lương)


Viên Linh:

Cảm ơn câu hỏi đêm qua

Sáng nay giấc mộng quê nhà lại xanh.
“Hỏi rằng Bến Hải Sông Gianh
Bờ Nam bờ Bắc lòng anh bờ nào?”
- Lòng anh quanh quẩn bờ ao
Như con nhện nước ra vào lưới trong.
Cảm ơn câu hỏi bạn lòng
Chí xa muôn dặm sao còn bên tôi?
- Ði đâu cũng nước non người
Gần em nghe tiếng khóc cười quê ta.[...]Cảm ơn câu hỏi bạn hiền
Hỏi ta còn nhớ mấy miền thổ ngơi?
Bạn hời bạn hỡi bạn ơi
Ba năm cóc chết, con người mấy năm?
Non cao phượng ẩn hổ nằm
Ao sâu long mạch âm thầm chuyển mưa.
Ta từ vận nước tiêu sơ
Tào Khê suối cũ trơ trơ một dòng
Ta từ thân thế lưu vong
Chiếc hồn phiêu bạt tấm lòng mưa sương.
Cảm ơn trời đất muôn phương
Ta còn một mảnh quê hương điêu tàn...

(Cảm Ơn, Thủy Mộ Quan)


Tạ Tỵ:

Tôi đứng bên này vỹ tuyến
Thương về năm cửa Ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Ðê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vỹ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa...
Cửa Ô ơi, cửa Ô
Năm ngả đường đất nước
Trôi từ vạn nẻo sông hồ
Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!...

(Thương về năm cửa Ô xưa)


Chú thích:

Các sự kiện lịch sử trong bài này viết theo tài liệu của Ðoàn Thêm và Hoàng Cơ Thụy. Thơ văn về cầu Hiền Lương của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Viên Linh trích lại từ bài “Cầu Hiền Lương” của Ðặng Tiến đăng trên Khởi Hành số 33, tháng 7, 1999. Thơ Hoàng Công Khanh, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Tạ Tỵ trích từ tài liệu riêng của người viết.)

Viên Linh
Hình ảnhChào bạn! Chúc bạn nhiều may mắn và sức khỏe để tham gia và đóng góp thêm bài viêt cho diễn đàn!
Hình đại diện của thành viên
Admin
Site Admin
 
Bài viết: 958
Ngày tham gia: Tháng hai 26, 2012, 12:38 am
Đến từ thành phố: HCM City
Điểm (Points): 12
Giới tính: Nam
Handphone: 0
Tagsminh ha,khiêu vũ,dancesport,ballroom, online,rumba, standard,latin,âm nhạc,solar,năng lượng mặt trời

Quay về THƠ VĂN (Poem & Literature)

Points: 0

cron