Chào mừng bạn đến với forum.minhha.vn, Nơi chia xẻ những thông tin bổ ích
Đăng ký  hoặc  Đăng nhập

Hành trình tìm mộ "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hành trình tìm mộ "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm

Gửi bàigửi bởi misavn » Tháng sáu 19, 2014, 2:26 pm

Hành trình tìm mộ "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm dự đoán rằng, sau ngày sinh của ông 500 năm, thì đất nước sẽ hưng thịnh vĩnh viễn.
Kỳ 1: Nhà tiên tri đại tài
Trong lịch sử Việt Nam, nhà tiên tri đầu tiên được mọi người biết đến là Thiền sư Vạn Hạnh (938-1025) với những câu sấm về việc xuất hiện nhà Lý. Hơn 500 năm sau, xuất hiện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà tiên tri thứ hai.
Ông sinh năm Tân Hợi, đời vua Lê Thánh Tông (tức năm Hồng Đức thứ 22 - 1491) tại làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Bĩnh Bảo, Hải Phòng, trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông mất năm Ất Dậu (1585), hưởng thọ 95 tuổi.
Trạng Trình là người tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri số 1” của Việt Nam. Người Trung Hoa thì coi ông là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất thông minh, học đâu nhớ đó, lớn lên được theo học quan Bảng Nhãn Thượng thư Lương Đắc Bằng.
trang_trinh1.jpg

Đền thờ Trạng Trình tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Thời thế nhiễu nhương, ông ẩn cư ở quê dạy học, sáng tác thơ văn. Mãi đến năm 1535, đời vua Mạc Thái Tông Đăng Doanh , ông mới ra thi, liên tiếp 3 khoa Hương, Hội, Đình đều đậu đầu, giành học vị Trạng nguyên. Ông làm quan nhà Mạc tới chức Lại bộ Tả thị lang - Đông các Đại học sĩ. Sau thấy nhiều phe phái quan to cậy thế hại dân, hại nước, ông dâng sớ xin vua chém 17 lộng thần. Vua không nghe, ông quyết từ quan về quê mở trường dạy học, tổ chức Bạch Vân thi xã, đào tạo nhân tài cho đất nước, mong đem thi văn giúp vãn hồi thế đạo nhân tâm.
Tuy về hưu nhưng triều đình có việc nước, việc quân trọng đại, vua Mạc đều cử người về quê Trung Am hỏi kế sách hoặc mời ông lên kinh đô thỉnh giáo. Ông luôn sẵn sàng hiến kế, xong việc đòi về quê, vua Mạc cố giữ nhưng không được.
trang_trinh2.jpg

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Internet.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những dự đoán tương lai bí ẩn, thường gọi là “sấm Trạng Trình, mà cho đến những đời sau, khi sự việc xảy ra, người ta mới giật mình bởi độ chính xác đến kinh ngạc.
Vô số giai thoại được dân gian truyền tai về những lời tiên đoán của Trạng Trình trước khi sự việc xảy ra. Có chuyện kể rằng, lúc nhà Mạc sắp mất, nhà vua liền sai người đến hỏi, ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời.
Một câu chuyện khác, vào năm 1568, khi ấy Trạng đã 77 tuổi và đang ở ẩn tại am Bạch Vân, Nguyễn Hoàng thấy anh trai mình bị chúa Trịnh Kiểm giết, bèn lén sai người đến xin ý kiến của Trạng. Trạng dẫn sứ giả ra chỉ vào hòn non bộ và nói: “Hoành Sơn nhất đái khả dĩ dung thân”.
Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, và về sau gây dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn ở phương nam. Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi nhưng quả đúng như lời sấm ban đầu của Trạng, nhà Nguyễn chỉ có thể dung thân ở dải Hoành sơn chứ không thể tồn tại mãi mãi, nhà Nguyễn chấm dứt vào năm 1945
Trạng cũng đã dự đoán vận nước trở nên hưng thịnh sau 500 năm với câu sấm: “Hồng lam ngũ bách nghinh thiên hạ/Hưng tổ diên trường ức vạn xuân”. Có nghĩa là đất nước Hồng Lam này sau ta 500 năm sẽ đến những mùa xuân hưng thịnh vĩnh viễn. Thực tế cho thấy, tính vừa tròn 500 năm từ ngày sinh của Trạng (1491 - 1991), đất nước thay đổi. Trước đó, đất nước ta đã có cuộc đổi mới tư duy từ năm 1986 nhưng đến năm 1991 mới thực sự chuyển mình.
Năm 1585, Trạng Trình qua đời tại quê nhà, nhân dân học trò triều đình làm lễ tang long trọng. Vua Mạc Mậu Hợp cử Phụ chính đại thần Ứng vương Mạc Đôn Nhượng về tế, tự tay nhà vua viết biển treo ở đền chính: Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ.
Vua lại cấp 12 mẫu ruộng để hàng năm lấy hoa lợi sắm lễ. Ông lại được phong phúc thần làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo và làng Thanh Am, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội bây giờ.
Những năm sau đó, vì những lý do khác nhau, và nhất là vào thời Pháp đô hộ Việt Nam, rất nhiều tài liệu, sách vở ghi chép của Trạng Trình đã bị thất lạc, chỉ còn một số ít được lưu giữ dưới dạng chép tay. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn lưu truyền câu sấm về hậu vận và sự trở về của ông : “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”.
Thật đáng ngạc nhiên, vào năm 1991, tức 500 năm sau ngày sinh của Trạng Trình, huyện Tiên Lãng bị xẻ đôi vì có công trình đào con sông để làm kênh thủy lợi. Đồng thời, một cây cầu được xây dựng để nối con sông Hàn từ quê nhà Vĩnh Bảo sang đất Thái Bình. Cũng vào thời điểm đó, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của Trạng được sống lại, lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh được Nhà nước tổ chức lọng trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thực ra, năm 1991 là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu của những chuyên gia sử học, nhằm vinh danh một nhân vật nổi tiếng từ thế kỷ 16, mà trước đó ít nhiều đã bị lãng quên. Trong đó, nhà sử học Ngô Đăng Lợi là một trong những người đi tiên phong trong việc tìm hiểu về cuộc đời và thân thế của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau ngày miền Bắc giải phóng, nhà sử học Ngô Đăng Lợi là chuyên viên văn hóa - xã hội, thuộc Văn phòng UBND thành phố; làm giáo viên dạy môn sử ở trường phổ thông và sau đó làm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố cho đến nay.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, năm 1985, tức là 400 năm sau ngày mất của Trạng Trình, ông bắt đầu hành trình nghiên cứu. Lúc đó, vẫn còn hai luồng ý kiến trái chiều về thân thế của Trạng: một bên giữ nguyên quan điểm rằng cuộc đời Trạng thân tại Mạc tâm tại Lê, và những người theo nhà Mạc là xấu, quan điểm còn lại đánh giá tích cực hơn về vai trò và sứ mệnh của Trạng đối với lịch sử.
Trải qua rất nhiều hội thảo khoa học trong suốt 6 năm (1985 - 1991), vai trò to lớn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được khẳng định.
Còn tiếp...
Theo VTC
RANDOM_AVATAR
misavn
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
55%
 
Bài viết: 355
Ngày tham gia: Tháng chín 27, 2012, 5:51 pm
Đến từ thành phố: ha noi
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam
Handphone: 0

Re: Hành trình tìm mộ "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm

Gửi bàigửi bởi misavn » Tháng sáu 21, 2014, 3:10 pm

Thầy Tàu quá kinh hãi, răm rắp làm theo mọi việc Trạng đã chỉ bảo, và tự xấu hổ nhận mình chỉ đáng là học trò bậc thánh nhân này.
Kỳ 2: Những huyền tích về mộ phần của Trạng Trình
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) vốn là người rất quan tâm tới những sự kiện lịch sử, những danh nhân tiêu biểu của đất nước. Vào thời gian ông còn dạy học, có lần qua đất Vĩnh Bảo, thấy đền thờ Trạng Trình xập xệ, cũ kỹ, không ai trông giữ, phía trước trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, ông cất tiếng thở dài.
Năm 1985, ông Lợi cùng một số nhà sử học bắt đầu nghiên cứu thân thế và sự nghiệp, cũng như vai trò lịch sử của Trạng Trình. Suốt quá trình 6 năm (1985-1991), với những tư liệu thu thập được, ông Lợi cùng các nhà khoa hoc đã khẳng định Trạng Trình là một nhân vật toàn diện, một danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước.
Năm 1991, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của Trạng Trình được sống lại. Lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của ông được Nhà nước tổ chức long trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó cũng là thời điểm bắt đầu cuộc hành trình tìm mộ 'nhà tiên tri số một' Việt Nam, dù rằng lúc ấy, những tài liệu ghi chép về Trạng còn cực kỳ mơ hồ.
Trước đó, nhà sử học Ngô Đăng Lợi tham mưu, đề xuất với Ủy ban MTTQ TP. Hải Phòng thành lập Hội Từ thiện Hải Phòng trên cơ sở lưu giữ và phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau... Ý tưởng của ông được lãnh đạo và ủy ban MTTQ thành phố ủng hộ. Năm 1991, Hội Từ thiện chính thức ra đời, và ông có mời thêm một số người về làm cố vấn cho hội, trong đó có cụ cố thanh đồng Lã Thị Vân (thường gọi là cụ Chấn Hưng), một người nổi tiếng ở Hải Phòng lúc đó.
Sau ngày ra mắt Hội, ông Lợi dẫn cả đoàn từ thiện về thăm đền Trạng ở Vĩnh Bảo, tiện thể mang ít quần áo về phân phát cho những người nghèo ở đó. Với kiến thức phong thủy của mình, cụ Chấn Hưng nhận ra mảnh đất Trung Am là vùng đất có khí thiêng, nhất là chỗ hồ bán nguyệt trước cửa đền Trạng, có thế đất nghiêng thủy ánh, có nghĩa là cái hồ nằm nghiêng để hứng ánh mặt trăng, mặt trời chiếu vào. Rồi cụ Chấn Hưng khẳng định: "Thế đất bên phải có hình lá cờ, bên trái có hình thanh kiếm, không ngạc nhiên khi mảnh đất này đã sinh ra một bậc thánh nhân".
Thắp hương trong đền Trạng Trình xong, ngồi nói chuyện với những người trong dòng họ Nguyễn, ông Lợi cùng đoàn từ thiện được nghe những câu chuyện lưu truyền trong những phút cuối đời của Trạng. Theo đó, vào lúc lâm chung, Trạng Trình có gọi người con cả vào và viết lên lòng bàn tay 4 chữ “Táng tại Ao Dương”.
Khi Trạng mất, gia đình và học trò theo di huấn mang thi thể xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm mà Trạng đã căn dặn. Ngày hôm sau tại Trung Am có tổ chức lễ viếng Trạng linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai. Theo các cụ, ngôi mộ thật, bị mưa nắng bào mòn rồi xóa sạch dấu tích.
Truyền thuyết ứng với câu đồng dao cổ mà trẻ con làng Trung Am thời xưa hay hát truyền, mà bản thân nhà sử học Ngô Đăng Lợi cùng mọi người thỉnh thoảng vẫn được nghe: “Ba Rá nhìn sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Táng tại Ao Dương”.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cùng các chuyên gia đã tiến hành khảo sát toàn bộ con sông Hàn, thì đúng là phần phía nam có một đoạn sông mang tên Ba Rá thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, phía đông có đoạn sông mang tên Ba Đồng trên địa phận Hải Phòng.
Có thể suy ra, nếu đúng như câu đồng dao, thì phần mộ của Trạng Trình sẽ nằm trong khoảng đất đâu đó gần 2 đoạn sông có tên Ba Rá và Ba Đồng. Điều đó cho thấy sự lựa chọn gần như bí mật tuyệt đối của Trạng khi chọn vị trí đặt huyệt mộ của mình. Khi tiến hành chôn cất, có thể là vào thời điểm mùa khô nước cạn. Và khi nước mạnh lên, dòng chảy sẽ dễ dàng xóa sạch mọi dấu tích mà không để lộ. Nhất là vào thời của Trạng, dân cư lúc ấy còn rất thưa thớt.
Tuy nhiên, địa danh Ao Dương được nhắc đến, cho đến giờ vẫn còn gây tranh luận vì những ý nghĩa khác nhau của nó.
Có một huyền tích vẫn được lưu truyền ở Vĩnh Bảo và càng khẳng định thêm về những khả năng tiên đoán về tương lai của Trạng Trình. Đó là sau ngày Trạng mất khoảng nửa thế kỷ, một thầy địa lý có tiếng của Trung Quốc vì kính nể tiếng tăm đã lặn lội sang thăm và viếng mộ. Thầy Tàu ngạc nhiên khi nhìn thấy rõ ràng ngôi mộ được đặt vào huyệt đất rất tốt, nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược, ông ta cho rằng Trạng Trình là “thánh nhân mắt mù”, người hữu danh vô thực.
Nghe thấy thế, ông trưởng tộc vội vàng ra mời thầy về rồi khẩn khoản nhờ thầy địa lý đặt lại mộ cho, vì trước khi mất Trạng đã dặn dò con cháu mai sau sẽ xảy ra sự việc này. Nghe thế, thầy Tàu bảo chỉ cần đào huyệt mộ lên rồi xoay lại là được. Nhưng đào được một lúc thì mọi người phát hiện có 1 tấm bia được chôn cùng, khắc bài thơ: "Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu/ Ngũ thập niên hậu mạch quy túc/ Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri?/ Hà vị thánh-nhân vô nhĩ mục?". Nghĩa là:"Ngày nay mạch lộn xuống chân/ Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau?/ Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?”.
Đến lượt ông thầy Tàu cùng mọi người mới ngã ngửa. Rõ ràng, Trạng đã biết trước mọi việc và dặn dò con cháu chôn theo tấm bia đã được bọc kỹ, không ai hiểu bia ghi điều gì. Và 50 năm sau nếu có ai đến thăm mộ mà nói: “Thánh nhân mắt mù” thì phải mời họ về nhà rồi nhờ họ đổi lại hướng của ngôi mộ.
Thầy Tàu quá kinh hãi, răm rắp làm theo mọi việc Trạng đã chỉ bảo, và tự xấu hổ nhận mình chỉ đáng là học trò bậc thánh nhân này.
Những câu chuyện mà nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã sưu tầm được về phần mộ của Trạng Trình, có thể thấy phần lớn là do truyền khẩu, hoặc tin đồn, rất ít có sử sách ghi chép lại, do đó rất khó có thể làm căn cứ chính xác. Chỉ có Trạng và những người tham gia mai táng theo đúng di huấn của Trạng mới biết chính xác nhất phần mộ đang ở đâu. Tuy nhiên, tất cả đã trở thành người thiên cổ.
Còn tiếp...
Theo VTC
ky sau Bí ẩn “sấm Trạng Trình” về chủ quyền Biển Đông
RANDOM_AVATAR
misavn
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
55%
 
Bài viết: 355
Ngày tham gia: Tháng chín 27, 2012, 5:51 pm
Đến từ thành phố: ha noi
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam
Handphone: 0

Re: Hành trình tìm mộ "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm

Gửi bàigửi bởi misavn » Tháng sáu 24, 2014, 1:31 pm

Mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thực sự ở đâu?
Câu chuyện sự thật mộ Trạng Trình nằm tại đâu, đòi hỏi phải kết hợp giữa khoa học thực tế, tham khảo thêm truyền thuyết dân gian.
Kỳ 3 (kỳ cuối): Những tranh cãi xung quanh việc tìm mộ Trạng Trình
Sau những chuyến đi thu thập tài liệu liên quan đến việc tìm mộ phần của Trạng Trình, nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) được biết, con cháu của dòng họ Nguyễn ở Trung Am về sau đã tản mát khắp các tỉnh miền Bắc. Vào thời Hậu Lê, người con cả của Trạng là Hàn Giang cư sĩ đã đưa cả gia quyến vào sinh sống ở vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện tại vẫn còn những dòng dõi đời sau thờ phụng.
Với mong muốn tìm lại gia phả gốc, và hy vọng có những tài liệu, ghi chép cụ thể về địa điểm chôn cất Trạng Trình, ông Lợi lập đoàn tìm kiếm và đến đất Hoa Lư. Tuy nhiên, kết quả tìm được chỉ là một bản gia phả của dòng họ được ghi bằng chữ quốc ngữ, kèm theo một ít sách cổ về thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm vẫn còn lưu giữ.
Khi nhà sử học Ngô Đăng Lợi phát hiện gia phả đó là bản quốc ngữ mà ông đã từng sưu tầm được trong những chuyến đi ở Vĩnh Bảo, ông ngỏ ý muốn tìm bản gốc chữ Hán để đối chiếu, thì những con cháu đời sau của Hàn Giang cư sĩ đều lắc đầu bảo không có.
Về sau, có một cụ già râu tóc bạc phơ của dòng họ mới nhớ ra là từ đời ông của cụ, có mấy người anh em trong dòng họ lại chia làm 2 hướng, một sang đất Gia Viễn (Ninh Bình), một lên đất Thanh Ba (Phú Thọ) sinh sống, rất có thể bản gốc đã được họ mang theo
Thêm mấy chuyến đi vất vả nữa, nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã sưu tầm thêm rất nhiều tài liệu, kể cả bản gia phả chữ Hán. Nhưng tất cả những tài liệu ấy chỉ là những ghi chép về thân thế, sự nghiệp, cũng như các tác phẩm thơ Hán, Nôm của Trạng Trình, tuyệt không có bất cứ một bản thảo nào nói về việc chôn cất cũng như chỉ dẫn địa điểm của mộ Trạng.
Không còn cách nào khác, ông Lợi cùng đoàn tìm kiếm chỉ còn biết căn cứ theo những tài liệu ít ỏi có được, cũng như là theo một số câu chuyện truyền miệng trong dân gian.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, cảnh vật nhiều chỗ đã thay đổi hoặc bào mòn theo thời gian. Với lại những địa danh chôn cất Trạng Trình được lưu truyền, chưa ai có thể xác minh được chính xác độ chân thực của nó. Cho nên suốt mấy năm trời ròng rã khảo sát ở mảnh đất Vĩnh Bảo, nhà sử học Ngô Đăng Lợi vẫn chưa có được những kết quả như mong muốn.
Một số lần, đoàn tìm kiếm có tiến hành mời một số nhà ngoại cảm về phối hợp, tất cả đều khẳng định rằng mộ của Trạng được chôn cất tại quê nhà Vĩnh Bảo. Người chỉ chỗ này, người chỉ chỗ khác, phần lớn những ý kiến của họ đều có những điểm tương đồng với những huyền tích về cuộc đời của Trạng Trình, nhưng không một ai có thể tìm thấy.
Giữa năm 2012, dư luận lại xôn xao về việc Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm được phần mộ Trạng tại khu vực cánh đồng Mả Lẻ (thôn Tiền Am, Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) gửi đơn đề nghị UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, trình bày: Sau nhiều năm tìm kiếm với sự giúp đỡ của một số nhà ngoại cảm, con cháu trong dòng họ đã tìm và xác định được phần mộ của cụ tổ là một gò đất nhỏ tại cánh đồng Mả Lẻ, thuộc Đội 8, thôn Tiền Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Xin phép và thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm tiến hành lễ động thổ, khởi công xây dựng, tôn tạo phần mộ theo ước nguyện của Trạng Trình.
Có mặt tại hiện trường, nhà sử học Ngô Đăng Lợi nhìn thấy đó là một ngôi mộ đã có từ lâu đời, cạnh đó là cái lăng cũ, chưa xác định được nguồn gốc cũng như tung tích của ngôi mộ. Ở thời điểm đó, không ai có thể dám chắc như đinh đóng cột rằng đó là phần mộ của Trạng. Với lại việc tìm kiếm chỉ thông qua ngoại cảm, không có cơ sở khoa học chắc chắn.
Việc tìm phần mộ của Danh nhân để xây dựng, tôn tạo là ước nguyện của đông đảo cán bộ và nhân dân trong huyện; thể hiện lòng ngưỡng mộ, biết ơn đối với công lao của Trạng Trình cho đất nước và quê hương. Nhưng nếu cứ chỉ bừa một chỗ, xét về tâm linh sao tránh khỏi tội, và xét về mặt quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa rõ ràng là phạm pháp vì đã tự “sáng tạo” một di tích không có thật. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cùng các chuyên gia đã không đồng tình với quan điểm đã tìm thấy mộ Trạng Trình.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi còn lưu ý thêm, các bậc thánh nhân xưa thường có một nguyên tắc không bao giờ cho biết phần mộ thật của mình. Hơn nữa, việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm không được Nhà nước thừa nhận. Giả thiết, nếu khu gò trên có mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thật thì việc lập dự án quy hoạch hoàn chỉnh khu di tích vẫn phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành.
Chính từ nguyên tắc đó, Chủ tịch xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đã chính thức có văn bản phúc đáp lại Hội đồng Nguyễn tộc, ngành Út, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc xây dựng trên khu đất chưa có cơ sở khoa học khẳng định đã bị dừng lại.
Và câu chuyện sự thật mộ Trạng nằm tại đâu, đòi hỏi phải kết hợp giữa khoa học thực tế, tham khảo thêm truyền thuyết dân gian (truyền thuyết vốn có trục là sự thật lịch sử). Từ năm 2012 đến nay, nhà sử học Ngô Đăng Lợi vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm. Ông cho biết, ông làm việc này bằng chính cái tâm của mình, không vì bất cứ điều gì cả, với mong muốn duy nhất là Trạng Trình được vinh danh, con cháu dòng dõi của Trạng được thờ phụng, và trả lời được câu hỏi đã gây nhức nhối cho bản thân ông cũng như những chuyên gia trong đoàn tìm kiếm.
Và dù nếu trường hợp không thể tìm thấy, thì ông vẫn cảm thấy thanh thản với những công sức mình đã bỏ ra từ trước tới nay. Với ông Lợi, vai trò và những đóng góp to lớn, những sứ mệnh lịch sử của Trạng Trình đối với đất nước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm phải xứng tầm là một danh nhân văn hóa của thế giới.
Sắp tới, nhà sử học Ngô Đăng Lợi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung và phối hợp lập hồ sơ về danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, đệ trình lên Ủy ban Unessco để được thế giới công nhận.
Theo VTC
RANDOM_AVATAR
misavn
Thành viên nòng cốt
Thành viên nòng cốt
Đến cấp kế tiếp:
55%
 
Bài viết: 355
Ngày tham gia: Tháng chín 27, 2012, 5:51 pm
Đến từ thành phố: ha noi
Điểm (Points): 0
Giới tính: Nam
Handphone: 0


Quay về Phong thủy - Bói toán (Geomancy - Fortune telling)

Points: 0

cron